Thị trường thương mại điện tử Việt Nam sẽ sớm vượt Thái Lan

Theo Bộ Công Thương, đến năm 2025, thị trường thương mại điện tử Việt Nam ước đạt 43 tỷ USD. Việt Nam có nhiều yếu tố để vượt qua thị trường Thái Lan trong tương lai gần.

 

Trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao và triển lãm quốc tế về công nghiệp 4.0, nhiều hội thảo chuyên đề về sản xuất thông minh, thành phố thông minh, năng lượng, tài chính – ngân hàng và kinh tế số được tổ chức.

 

Hội thảo về kinh tế số thu hút được nhiều sự quan tâm của các diễn giả với chủ đề “Phát triển thương mại điện tử thúc đẩy kinh tế số tại Việt Nam”.

 

Chủ yếu giao dịch bằng tiền mặt

 

Phát biểu tại hội thảo về Kinh tế số, ông Lê Xuân Thành, Vụ trưởng Công nghiệp, Ban Kinh tế Trung ương, đánh giá cơ hội phát triển của thương mại điện tử (TMĐT) trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

 

Với việc mua bán sản phẩm, thanh toán, quảng cáo qua Internet, ông Thành cho rằng đây là điều kiện thuận lợi cho TMĐT phát triển mạnh mẽ, đem lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, người tiêu dùng và xã hội.

 

Ông Lê Xuân Thành (giữa), Vụ trưởng Công nghiệp, Ban Kinh tế Trung ương. Ảnh: Văn Hưng.

 

Về tốc độ phát triển, Vụ trưởng Công nghiệp (Ban Kinh tế Trung ương), cho biết TMĐT tại Việt Nam tăng khoảng 25%/năm. Thời gian gần đây, hàng loạt sàn TMĐT, trang bán hàng mới xuất hiện. Doanh nghiệp ngoại cũng không ngại đầu tư hàng triệu USD vào TMĐT Việt Nam.

 

Dự báo về sự phát triển của TMĐT trong nước, ông Lê Xuân Thành chỉ ra 4 xu hướng.

Thứ nhất, số người dùng điện thoại di động tại Việt Nam tăng cao khi có tới 64 triệu người đang sử dụng smartphone. “Xu hướng thương mại điện tử trên nền tảng số là điều tất yếu”, ông Thành nói.

 

Thứ hai, giá hàng hóa trên sàn TMĐT sẽ giảm. Khi thị trường TMĐT có nhiều nhà cung cấp, cuộc cạnh tranh về giá sẽ trở nên khốc liệt. Giá là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến quyết định mua hàng của người tiêu dùng. Do đó, doanh nghiệp sẽ thường xuyên giảm giá sản phẩm, tạo chương trình khuyến mãi.

 

Sự bùng nổ TMĐT qua mạng xã hội cũng được Vụ trưởng Công nghiệp nhắc tới. Theo ông Thành, việc mua hàng qua mạng xã hội ngày càng gia tăng và đây sẽ trở thành xu hướng trong tương lai.

 

Cuối cùng, giao dịch mua bán trên sàn TMĐT được dự báo thực hiện qua ngân hàng. Tại Việt Nam, thanh toán khi nhận hàng là chủ yếu, bên cạnh nhiều hình thức như chuyển khoản, QR code hay ví điện tử. Tuy nhiên, giao dịch tiền mặt còn nhiều hạn chế, không phù hợp trong sự phát triển TMĐT trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

 

Thị trường TMĐT sẽ đạt 43 tỷ USD vào năm 2025

Trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các doanh nghiệp Việt Nam cần hướng tới số hóa dây chuyền, xây dựng nhà máy thông minh, lĩnh hội kinh nghiệm quốc tế từ các doanh nghiệp đi trước trên thế giới. Tuy nhiên, hiện nay đa phần doanh nghiệp Việt chưa sẵn sàng.

 

Ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), cho biết theo nghiên cứu mới đây, phần lớn doanh nghiệp Việt Nam đang đứng ngoài cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

 

“Nếu coi chỉ số sẵn sàng trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là 5 điểm thì các doanh nghiệp dầu khí khá nhất, nhưng mới được khoảng 1,5 điểm. Sự sẵn sàng đang rất hạn chế”, ông Hải nói.

 

Ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương. Ảnh: Văn Hưng.

 

Về TMĐT, ông Đặng Hoàng Hải đánh giá đây là mảng sáng trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Trong khi ứng dụng trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây khá hạn chế, TMĐT với sự gia nhập của nhiều doanh nghiệp tăng trưởng mạnh (25-30%/năm). Hiện tại, giá trị thị trường TMĐT của Việt Nam vào khoảng 8 tỷ USD.

 

“Trị giá TMĐT của Việt Nam đứng thứ ba tại Đông Nam Á, chỉ sau Indonesia 100 tỷ USD và Thái Lan 43 tỷ USD. Đến năm 2025, con số của Việt Nam ước tính khoảng 43 tỷ USD. Việt Nam có nhiều yếu tố để vượt qua Thái Lan trong tương lai gần”, ông Hải cho biết.

 

Việt Nam có nhiều cơ hội để phát triển TMĐT, đặc biệt là cơ cấu về dân số. Bên cạnh đó, độ phủ sóng mạng Internet tại Việt Nam khá lớn.

 

“Thậm chí đảo Trường Sa vẫn có sóng 4G, trong khi ra nước ngoài việc vào mạng không hề dễ dàng”, ông Hải đánh giá đây là điểm mạnh của Việt Nam và nên tận dụng.

 

Theo thống kê, số người tham gia mua sắm trực tuyến tại Việt Nam tăng đều đặn. Hiện con số là 40 triệu người, tức cứ 2 người thì có 1 người tham gia thanh toán trực tuyến. Tuy nhiên, tỷ trọng doanh thu so với mức bán lẻ trên cả nước chỉ bằng 4,5%.

 

Các doanh nghiệp bán hàng trên sàn TMĐT đều có website, nhưng có ứng dụng cho di động chỉ khoảng 61%. Ngoài ra, tỷ lệ doanh nghiệp giao kết hợp đồng điện tử vẫn còn hạn chế.

 

Về thách thức lớn nhất của Việt Nam, ông Đặng Hoàng Hải chỉ ra hiện nay, việc sử dụng tiền mặt giao dịch TMĐT chiếm đa số.

 

“Hàng hóa đem đến mới trả tiền cho thấy doanh nghiệp và người tiêu dùng đang nghi ngờ lẫn nhau. Người mua hàng thì không tin doanh nghiệp và độ chắc chắn của hàng hóa, trong khi vì chưa trả tiền trước nên khả năng bị trả lại hàng hóa cho doanh nghiệp rất cao”, ông Hải nói.

 

Cục trưởng Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương, cho rằng cả hai bên cần có sự thay đổi. “Về lâu về dài đây là mấu chốt phải giải quyết được cho phát triển của TMĐT”, ông Hải nhấn mạnh.

 

Hotline: 0974.533.108