Điểm Google PageSpeed Insights liệu có còn đáng tin?

Điểm Google PageSpeed Insights (sau đợt cập nhật ngày 12/11/2018) liệu có còn đáng tin?

Như các bạn đã biết, vào ngày 12/11/2018 vừa qua, Google đã cập nhật giao diện và thuật toán tính điểm mới cho PageSpeed Insights. Đợt cập nhật này khiến cho không ít webmaster lo lắng vì điểm Google PageSpeed của họ tụt dốc thảm hại. Nhiều trang từ mức Good (80 – 100 điểm) trước đó đã bị hạ xuống Medium (Average) và thậm chí là Slow (dưới 50 điểm). Một màu đỏ “chết chóc” bao trùm khắp mọi nơi, đặc biệt là với điểm PageSpeed trên Mobile. Tại sao lại như vậy?

Cơ chế chấm điểm Google PageSpeed Insights mới

Đúng như vậy. Chính cách chấm điểm mới đã khiến cho điểm số của các website bị thay đổi rất nhiều.

Bạn có nhìn thấy dòng chữ “The speed score is based on the lab data analyzed by Lighthouse“? Điều này có nghĩa là 6 thông số bao gồm: First Contentful Paint, First Meaningful Paint, Speed Index, First CPU Idle, Time to Interactive và Estimated Input Latency trong phần Lab Data mới là yếu tố quyết định điểm Google PageSpeed Insights chứ không phải là các tiêu chí về tối ưu mã nguồn website như trước đây.

 

Các thông số này đều là đơn vị thời gian (tính bằng giây hoặc mili giây) và chúng càng thấp thì càng tốt.

Các hạng mục trong phần Opportunities, Diagnostics và Passed audits chỉ là để Google gợi ý cho bạn cách tối ưu website mà thôi. Kể cả khi bạn đã hoàn thành toàn bộ các lời khuyên của Google nhưng 6 thông số trong phần Lab Data vẫn cao thì điểm Google PageSpeed của bạn vẫn thấp.

Điểm Google PageSpeed Insights mới có đáng tin?

Các thông số trong phần Lab Data bị chi phối bởi các yếu tố sau:

  1. Mức độ tối ưu của mã nguồn website (page-size, HTML, CSS, JS, webfont, hình ảnh, công nghệ cache dữ liệu…): mã nguồn website được tối ưu càng tốt, page-size càng nhẹ thì các thông số trong Lab Data càng thấp.
  2. Hiệu năng của host: host phản hồi càng nhanh thì các thông số trong Lab Data càng thấp.
  3. Tốc độ mạng internet từ host tới người dùng và từ host tới server của Google: tốc độ mạng càng nhanh thì các thông số trong Lab Data càng thấp.
  4. Khoảng cách địa lý từ host tới người dùng và từ host tới server của Google: khoảng cách giữa host với vị trí test càng gần thì các thông số trong Lab Data càng thấp.

Như vậy, nếu bạn chỉ nhìn vào điểm Google PageSpeed Insights để đánh giá mức độ tối ưu mã nguồn của 1 website là hoàn toàn không chính xác. Đấy là chưa kể việc điểm số sẽ bị thay đổi theo lần test, theo người test, do tốc độ mạng và tốc độ host ở mỗi thời điểm là khác nhau. Chính Google cũng đã thừa nhận điều này:

Lighthouse analysis of the current page on an emulated mobile network. Values are estimated and may vary.

Tạm dịch là:

Phân tích Lighthouse của trang hiện tại được tiến hành trên một mạng di động giả lập. Giá trị được ước tính và có thể thay đổi.

Một website có điểm Google PageSpeed cao thì chắc chắn sẽ load nhanh trên thực tế. Nhưng một website load nhanh trên thực tế thì chưa chắc đã đạt được điểm cao khi chấm với Google PageSpeed Insights.

Giải pháp thay thế Google PageSpeed Insights

Từ nguyên nhân kể trên, bạn chỉ nên dùng Google PageSpeed Insights như một cẩm nang để tham khảo các hướng dẫn về cách tối ưu tốc độ load web.

Nếu cần một công cụ để tính toán điểm số nhằm xác định mức độ tối ưu của mã nguồn website, hãy dùng GTmetrix. Bởi vì điểm số được chấm bởi công cụ này không bị chi phối bởi các yếu tố bên ngoài như tốc độ host, tốc độ internet, khoảng cách địa lý… Khi bạn tối ưu mã nguồn tốt thì dù cho chỉ số Fully Loaded Time có cao đến đâu, PageSpeed Score và YSlow Score của bạn cũng vẫn sẽ ở mức cao.

Bạn nghĩ gì về vấn đề mà tôi mới vừa đề cập ở trên? Hãy cho chúng tôi biết quan điểm và ý kiến của bạn bằng cách sử dụng khung bình luận bên dưới.

Nếu bạn thích bài viết này, hãy subscribe blog của tôi để thường xuyên cập nhật những bài viết hay nhất, mới nhất qua email nhé. Cảm ơn rất nhiều. 🙂

Theo wpcanban

Hotline: 0974.533.108