“Nghệ thuật kinh doanh online đỉnh cao” không dành cho những ai muốn bán được hàng. Nó chỉ dành cho những ai muốn bán THẬT NHIỀU hàng và có thể khiến khách hàng quay lại mua tiếp. ĐỪNG ĐỌC bài viết này nếu bạn chỉ muốn bán vài đơn hàng mỗi ngày!
Website được các chuyên gia xem là một trong những công cụ hữu ích nhất dùng để kinh doanh. Thế nhưng, dường như có quá nhiều người không thể tận dụng được sự hữu ích tuyệt vời này. Chúng ta lập ra một website rồi… không biết làm gì nữa.
Vậy thì, nếu bạn nằm trong diện “có website nhưng chưa biết làm gì”, đừng tiếc 5 phút đọc bài viết này. Vì nếu bây giờ bạn không đọc, thì sau này bạn sẽ phải mất nhiều thời gian hơn để tìm lại bài viết này.
Vậy còn những người nằm dưới diện “có website mà chưa biết làm gì” thì sao? Ý tôi là những người thậm chí chưa có website. Đây là cơ may của bạn, cơ hội để bạn nhìn đúng vấn đề để không phải dẫm vào vết chân sai lầm phổ biến.
Bây giờ thì chúng ta sẽ đi vào nội dung chính nhé. Muốn bán được hàng trên website, cần thỏa mãn 3 yếu tố sau.
1. Phải có BẰNG ĐƯỢC niềm tin của khách hàng
Người ta chỉ mua hàng của bạn khi họ tin bạn.
Thực ra chính bạn cũng vậy thôi.
Đã bao giờ bạn tìm kiếm thông tin về điện thoại di động trên Google, sau đó click vào rất nhiều website để xem thông tin, so sánh giá … nhưng rồi cuối cùng lại chạy ra thegioididong để mua, mặc dù giá ở đây đắt hơn những trang web kia?
Vì sao lại có điều này? Đơn giản, vì bạn không tin những trang web kia.
Trong đầu bạn sẽ nghĩ:
Nếu lỡ hàng bị hỏng thì sao?
Những trang web đó có bán hàng chính hãng hay không?
Họ có uy tín không? Họ có lừa đảo không?
Những trang web kia không thể trả lời được những câu hỏi đó. Nói cách khác, họ không thể tạo lòng tin nơi bạn. Vì thế, bạn đã quyết định mua ở thegioididong, có thể đắt hơn đôi chút nhưng bù lại bạn có sự yên tâm.
Việc không thể khiến khách hàng tin tưởng là vấn đề mà hầu hết những người kinh doanh nhỏ đều gặp. Điều tệ hại là thay vì tìm cách để tạo dựng lòng tin thì chúng ta lại thao thao tự quảng cáo về mình. Chúng ta “tự sướng” mọi lúc mọi nơi. Từ “hàng chúng tôi nhập khẩu 100% từ Mỹ”, “ghế salon da hổ duy nhất, chỉ có tại cửa hàng N”… đến “dịch vụ kế toán tại công ty XYZ rẻ nhất và tốt nhất”.
Trong tâm trí khách hàng, đó chỉ là những lời sáo rỗng không hơn không kém. Chúng ta đã làm gì để chứng minh với khách hàng rằng chúng ta thực sự tốt, ngoài những lời nói suông?
Bí kíp cho bạn:
Muốn có được lòng tin nơi khách hàng, đừng vội bán hàng. Hãy “làm quen” với họ trước đã.
Ví dụ, bạn đang kinh doanh nước hoa. Thay vì hô hào trên website “nước hoa shop tôi hàng thật 100%”, hãy đăng lên những bài viết kiểu như “Cách phân biệt nước hoa thật/giả”, “Cách giữ nước hoa thơm lâu”, “Cách chọn nước hoa dự tiệc giá thấp mà vẫn ấn tượng”… Lúc này, chúng ta sẽ đóng vai trò là người tư vấn. Chúng ta “làm quen” với khách hàng thông qua những bài viết giá trị để họ tin rằng chúng ta thực sự hiểu về nước hoa. Khi họ tin tưởng điều đó, tâm lý họ sẽ bớt tự vệ, họ sẽ muốn đọc nhiều hơn và lúc này, chúng ta đã chiến thắng bước một trong hành trình bán hàng trên website.
2. Khéo léo chèn “quảng cáo”
Sau khi đã “làm quen” với khách và cho họ biết rằng chúng ta thực sự hiểu về sản phẩm mà họ quan tâm, giờ là lúc chèn vào một chút “quảng cáo”.
Vì sao tôi lại để từ “quảng cáo” trong ngoặc kép? Chắc hẳn ở đây có gì đó khác thường? Chính xác! Vậy nên, hãy đọc tiếp để hiểu vì sao nó khác thường!
Trở lại với ví dụ về nước hoa ở trên, “quảng cáo” có thể là một dòng chữ được đặt cuối bài viết “Cách chọn nước hoa dự tiệc cho giá thấp mà vẫn ấn tượng”: Bạn cần tư vấn miễn phí về cách chọn nước hoa để dự tiệc? Bấm vào đây để chat ngay với NuocHoaABC.com”
Đó là một đoạn “quảng cáo” khéo léo. Vì nó không bắt người xem phải mua bất cứ thứ gì. Nó chủ động đề xuất một giá trị miễn phí cho khách hàng. Thử tưởng tượng một người đang cần mua một lọ nước hoa để đi dự tiệc, họ phân vân chưa biết chọn thế nào cho phù hợp. Vậy họ có sẵn lòng bấm vào để được bạn tư vấn miễn phí không?
Lúc nãy, họ đã đọc bài viết của bạn, họ đã tin bạn tập một. Giờ đây, khi chat với bạn, họ sẽ tin bạn tập hai.
Cơ hội bán hàng nằm ở đây. Tỉ lệ bán được hàng ở bước này cực kỳ cao bởi giờ đây, bạn sẽ có cơ hội trò chuyện với khách hàng. Có cơ hội lắng nghe và hiểu nhu cầu, nguyện vọng của họ. Có cơ hội được phục vụ họ hết mình. Và có cơ hội được bán hàng.
Trong lúc chat, những lời giới thiệu như sau sẽ dễ dàng được khách hàng chấp nhận:
“Với trang phục đã chọn, chị nên thử dùng nước hoa hương X của hãng Y. Loại này có mùi hương rất riêng của hạt Tonka từ Pháp. Chị xem thử mẫu ở đây nhé: NuocHoaABC.com/nuoc-hoa–X”.
Bạn có để ý đến đường link bôi đậm ở trên không? Việc đưa cho khách đường link này sẽ cho khách tự hiểu là shop ABC có bán nước hoa, để bạn không phải “tự sướng” rằng “Shop của em có kinh doanh loại nước hoa này ạ”.
Hãy trò chuyện cởi mở với khách hàng. Trả lời thật nhanh chóng và niềm nở tất cả các câu hỏi của họ. Hãy chăm chút khâu này vì khả năng rất cao người đang chat với bạn sẽ dốc hầu bao nếu họ cảm thấy bạn am hiểu sản phẩm, nhiệt tình và dễ thương!
Sau khi đã tư vấn xong, giờ đến lúc chốt sales. Ý tôi là, đã đến lúc “thúc giục” họ mua hàng.
Việc chốt sales đòi hỏi sự sáng tạo và am hiểu nghề của bạn. Sẽ có rất nhiều tình huống. Ở đây tôi demo 2 tình huống cơ bản nhất trong bán hàng trên website:
Tình huống 1: Khách chủ động hỏi, đại loại như “Mình muốn mua sản phẩm X này thì phải làm sao?”. Tình huống này là dễ nhất vì bạn chỉ việc giới thiệu cho khách địa chỉ showroom hoặc cách đặt hàng online là được.
Tình huống 2: Khách hỏi nhiều trong khi chat, nhưng không đề cập đến chuyện mua hàng.
Lúc này, bạn có thể đề xuất:
“Chị ơi, nếu có thời gian chị có thể ghé qua showroom NuocHoaABC.com ở số 9 Nguyễn Trãi nhé. Tại đây bọn em có phòng trưng bày để chị tham quan và thử nước hoa miễn phí ạ. Chị cứ đến tham quan, không mua gì cũng được ạ.”
Khách đến và dùng thử sản phẩm của bạn, thật khó để họ từ chối không mua.
Hãy dành thời gian soạn sẵn những câu trả lời ứng biến để chốt sales nhé. Có thể sẽ hơi “nhức não” nhưng bạn có thích bán được nhiều hàng không nào?
Như vậy là bạn đã hiểu cách để bán hàng trên mạng rồi chứ? Đừng bao giờ nghĩ rằng chỉ cần làm một trang web và đặt nút bán hàng trên đó là xong. Khách hàng chỉ mua hàng ở những nơi họ tin tưởng thôi!
Nhưng chưa dừng lại ở đó, chúng ta còn một bước cuối cùng.
3. Dịch vụ trong và sau bán hàng phải thật chuyên nghiệp
Khi khách hàng đã mua rồi, đừng quên hỗ trợ họ cách dùng sản phẩm sao cho hiệu quả nhất.
Ví dụ, bạn có thể nói với khách mua nước hoa, “Dạ, sản phẩm này chị nên xịt sau gáy, sau tay hoặc cổ để giữ được hương thơm lâu hơn nhé”.
Các quy trình như điện thoại xác nhận, giao hàng, hậu mãi, khuyến mãi phải được thực hiện càng nhanh càng tốt.
Sản phẩm nếu vận chuyển đi xa thì phải bao bọc chắc chắn. Nếu khách đến showroom xem hàng thì phải đón tiếp thật niềm nở, vui vẻ. Hãy chuẩn bị nước lọc hoặc trà đá để mời khách uống. Những việc này không tốn kém là bao nhưng sẽ khiến khách nhớ mãi về bạn.
Bạn có muốn khách hàng tiếp tục mua hàng của bạn và thậm chí họ còn giới thiệu cho người khác cùng mua không? Đơn giản thôi, hãy chăm sóc họ tốt gấp đôi những gì bạn chăm sóc khách hàng mới.
Khách hàng cũ chính là nguồn thu chính trong kinh doanh. Những ai cứ chăm chăm đi tìm khách hàng mới mà bỏ quên khách hàng cũ thì trước sau gì cũng phá sản. Trong kinh doanh, còn gì quý hơn sự trung thành của khách hàng?
Nguồn web5ngay